Kho cảm nhận

Sự dữ dội trên ngả thanh tĩnh hay Cảm nhận sau khi đọc Đức Phật và nàng.

Người ta nói duyên với nhà Phật có năm bảy loại.

Tình với nhà Phật cũng đôi ba đường.

Cá nhân tôi nghiệm thấy đúng. Đa số mọi người nghĩ rằng Phật giáo, cũng như bao tín ngưỡng khác, là cao cao tại thượng, là điểm mốc tôn thờ. Họ tôn sùng, ngưỡng vọng. Họ nguyện cầu, bấu víu. Họ tâm niệm, tin tưởng. Họ đặt ra một giới hạn vô hình và tin rằng ở bên kia là những nguồn năng lượng siêu nhiên có thể cứu vớt và dẫn lối cho họ trong cõi đời u mê, chốn phàm trần khổ đau nối tiếp. Họ kì vọng nếu họ nhất tâm niệm Phật, những điều kì diệu sẽ đến, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. Sự linh thiêng đó là chiếc phao cứu sinh, là chốn nương tựa tâm hồn của con người trong chuỗi dài hoang hoải của thực tại…

Tôi không nói rằng cách tiếp cận tôn giáo như vậy là sai hay là đúng, là mù quáng hay thanh tỉnh, vì tôi đã nói từ đầu rồi, trong trăm nẻo đến với tính thiện, ai cũng có suy nghĩ và quyết định riêng. Trong hoàn cảnh của từng cá nhân, tính chất và nỗi niềm riêng dẫn họ tìm đến với Phật giáo và nương náu theo cách khiến họ cảm thấy được giải thoát. Đó là một cách hướng đạo “ngoan ngoãn” và “thuần phục”. Có những người họ cống hiến cuộc đời cho Phật pháp với một tâm thế tò mò và triết lý. Những giáo lý nhà Phật sâu sắc theo cả bốn chiều gợi mở cho họ các tầng giải lý sâu xa mà có khi họ dành cả đời, tất nhiên là họ sẵn sàng, để chiêm nghiệm và suy nghĩ. Đó là cách hướng đạo “chủ động” và “khám phá”. Trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử phát triển, suy tàn, phục hồi và mở rộng của Phật giáo, không chỉ có hai luồng tư tưởng trên tồn tại trong đông đảo giáo chúng và tôi nghĩ, tư tưởng Phật giáo thực sự cũng không áp đặt bất kì một quan niệm nào lên người tu hành. Thế nào là đúng? Thế nào là sai? Thế nào là có? Thế nào là không? Tất cả đều là tương đối. Sự tương đối đó phản ánh rõ cái hư vô của cuộc sống này, tất cả sự vật trên thế giới chỉ như ảo ảnh bóng nước, như bóng câu qua thềm, như mây bay đỉnh núi, như làn khói thoảng trôi. Không bao giờ có thể lấy cái tương đối để kiến tạo nên một sự tuyệt đối, “chỉ có Nirvana là vĩnh hẳng”…

Hiểu rõ điều đó, nhưng trong tôi luôn không nguôi câu hỏi Tại sao với những điều tôi được nghe được dạy từ các giáo lý nhà Phật mà các bậc tiền bối truyền thụ. Một cảm giác mơ hồ và đôi phần đau đớn khi nghĩ về Phật pháp luôn khiến tôi mê mang và ngơ ngác. Không nghi ngờ nhưng băn khoăn. Hay có phải vì tôi vẫn còn trân tục và quá vấn vít với những sợi dây ràng buộc vô hình của con người trần ai? Nâng lên được nhưng khó bỏ xuống được. Giả như thực sự vì lí do đó, sự chần chờ không dám đi theo trở nên thật rõ ràng. Có lẽ lục căn chưa thanh tịnh, tứ đại chưa giai không, nỗi sợ hãi vào chốn địa ngục A Tỳ ám ảnh nên có lẽ, sợ hãi gắn bó. Vốn ban đầu nghĩ viết đôi dòng này để tâm sự và trút bỏ những cảm xúc kìm nén khi biết đến những chuyện tình ngang trái, những cảm xúc không nên có của những người xưa – với trách nhiệm và giới hạn mà cả đời họ không thể, không nên, không được bước qua. Nhưng giờ trái tim và tâm tư đã ổn định hơn, tôi bỗng nhớ ra rằng mọi thứ diễn ra vì nó vốn phải thế, sự đau đớn khi chứng kiến một câu chuyện éo le xuất phát từ sự không cam tâm và không dám buông tha, một khi đã quen với việc có những điều như vậy tồn tại, lòng người cũng thôi thổn thức. Để duy trì được một trái tim thấu hiểu, một bộ óc sáng suốt, hiểu rõ về cái có và cái không cố hữu của vạn vật mà không bị phụ thuộc, không bận tâm là một chuyện nói dễ hơn làm. Những điều răn dạy của Phật là hướng dẫn nhưng cũng là thử thách, là bài học nhưng cũng là điểm đích cho con người ngẫm, thấm và ngộ. Mà quá trình này, với chỉ vài bước đầu tôi đã thấy, rất dằn vặt. Giáo lý nhà Phật bác đại tinh thâm, nhẹ nhàng mà thuyết phục người có tâm gắn bó và cống hiến cả đời để mày mò tìm tòi và truyền bá rộng rãi, giúp đỡ những người khác cùng hiểu và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn nằm ở kiếp sau.

Quãng thời gian này đi kèm với một cái giá. Cái giá này tôi hiểu nên tôi không dám trả. Và cũng vì như thế mà tôi có nỗi đau trên, khi đọc tác phẩm văn học đó.

Hẳn bộ truyện Đức Phật và nàng không còn lạ lẫm với bất kì con mọt ngôn tình nào, dù có đọc hay không, chỉ với cái tên thôi, câu chuyện này cũng đã kịp gieo nên cảm xúc ở nhiều tầng nấc khác nhau trong lòng độc giả. Có người e ngại, úy kị. Có người háo hức, tò mò. Có người thờ ơ, phán xét. Lại có người không nén được tiếng thở dài cảm thông.

Dù là mức độ cảm xúc như thế nào thì, như tôi đã đề cập từ ban đầu, đều bắt nguồn từ cách cảm nhận của họ về đạo Phật ra sao. Trong cách nhìn của phần đông đại chúng, chữ tình và chữ tu là hai phạm trù không thể cùng dung. Ban đầu tôi cũng nghĩ vậy đấy. Và tôi né tránh ngay khi nhìn thấy tên truyện. Lòng thầm nghĩ “Trời ơi đừng bảo một vị sư nào đó sẽ có một câu chuyện tình…” nên tôi vẫn một mực khăng khăng không chạm vào, nhằm bảo toàn hình ảnh linh thiêng thanh sạch của một giới đạo không nhiễm bụi trần. Mà đối với tôi, tình ái hẳn nhiên là quá phàm tục rồi.

Thế rồi có khi diễn tiến cuộc đời tôi quá ư kịch tính và kì lạ. Nhiều chuyện không ngờ cứ đến tai, đập vào mắt, khắc vào tim khiến tôi phải than rằng Cuộc đời này quả thật không thiếu sự biến bất thường, chẳng qua bạn có đủ duyên để tương ngộ hay không thôi. Chắc ở khoản này, tôi có thể tự tin ngẩng cao đầu hơn người khác… dù không biết nên vui hay nên buồn. Và thế là một đêm 3 năm sau lần đầu biết đến cuốn sách đó, tôi đã chính thức bước vào thế giới hư cấu mà không hư cấu đó.

Không phải là người trong cuộc, có những suy nghĩ tình cảm của nhân vật tôi không thể lý giải được, chỉ có những câu hỏi liên quan đến Phật giáo là không ngừng tuôn trào và dằn vặt tôi. Mà thôi, tôi nghĩ tôi cũng không cần phải khiến mọi người càng thêm băn khoăn với hàng loạt câu hỏi không lời giải này… Tôi đọc với tâm thế của một người ngoài, rất tỉnh táo. Vậy mà những sóng chiều đau thương, quằn quại của nhân vật cũng đủ khiến tôi thương tâm rơi nước mắt không ít lần. Thử hỏi người trong cuộc còn khổ sở đến đâu? Thế nên tôi bỗng nhận ra một mặt khác của Phật giáo, đến với tôi không phải là một câu trả lời mà ngược lại, mở ra cho tôi một câu hỏi để, có thể là cả đời, tôi đi tìm lời giải đáp. Chuyện tình cảm không ai nói giỏi được, nó biến đổi và thuần lương con người, nhưng nó cũng có thể hủy hoại và dìm dập con người vào vạn kiếp bất phục. Tôi chỉ muốn hiểu Có phải tình yêu luôn luôn là sai lầm?

Vị Đại Lai Lạt Ma đời thứ 6 của Tây Tạng, Thương Ương Gia Thổ, cũng đau đớn bấy nhiêu năm cuộc đời thế tục vì giằng co hai chữ tình yêu và lí tưởng. Ngài tàn tạ vì tâm hồn đa cảm và một cuộc đời khổ mệnh. Có chăng chỉ có hậu thế là may mắn khi được thưởng thức những áng thơ da diết, rung thấu tâm can ngài để lại. Người không yêu sẽ không hiểu được. Người yêu mà không gặp trở ngại cũng không thể hiểu. Người không có tình yêu mà cuộc đời không chấp nhận và còn bài xích lại càng không thể hiểu.

Nàng gặp, hay không gặp ta
Ta vẫn ở đây, không mừng, không luỵ
Nàng nhớ, hay không nhớ ta
Yêu vẫn ở đây, không thêm, không bớt
Nàng theo, hay không theo ta
Tay ta vẫn nơi nàng, không lơi, không siết
Hãy ngả vào lòng ta, hoặc là dành cho ta một chỗ trong trái tim nàng
Bình lặng yêu nhau
Âm thầm thương tưởng

Chữ tình của ngài đậm sâu như thế, đau đáu như thế. Như một tiếng thở dài vắt ngang núi sông, xuyên cùng năm tháng. Cuộc đời không cho phép, thân phận không cho phép, lý tưởng càng không cho phép. Mấy ai giữ được vẹn cả đôi?

Thế gian na đắc song toàn pháp

Bất phụ như lai bất phụ khanh.

Người ta khó nghĩ, khó xử, khó sống với đôi bờ thường sự. Là bên tình bên hiếu, là bên ái bên nghĩa. Éo le thay cho một câu Bất phụ như lai bất phụ khanh, đọc đến đây là nước mắt tràn mi, nén nghẹn hơi thở. Những dòng thơ này đọc một đêm, một tháng, một đời có khi nào cũng không thể đủ? Chỉ biết chớp mắt mà than, cõi thế gian mấy ngả hạnh phúc, chốn niết bàn có lúc khổ đau… Sinh ra đã là khổ, chỉ sợ tương tư còn khổ hơn…

Đã bao năm rồi
Nàng vẫn ẩn sâu trong vết thương của ta
Ta đã buông cả đất trời này
Nhưng lại chẳng thể nào buông nổi nàng
Ngàn non vạn nước trong sinh mệnh của ta
Từng thứ từng thứ cáo biệt theo nàng

Thế gian này, ngoại trừ sinh tử, còn chuyện nào không phải chuyện tầm phào.

–       Ta muốn làm viên đá giữa hồng trần
làm bờ nước, đê xanh, cầu gỗ
Chờ đến luôn hồi ước hẹn
gặp nhau dưới trăng tàn
Khi tử đằng ra hoa.
Tử đằng ra hoa
trời tàn đất tận

Chỉ nguyện mười năm đưa đò, trăm năm chung gối, ngàn năm se duyên.

Chút góp ý